Các Quốc Gia Châu Á Đón Tết Trung Thu Như Thế Nào (Phần 1)
- Sep 09, 2019
- 0 Comments

Không chỉ riêng Việt Nam, Tết Trung thu còn là lễ hội truyền thống ở nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines...Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia lại có những bản sắc và phong tục riêng, hãy cùng finefamilyusa.com khám phá
NHẬT BẢN
Ở Nhật, Tết Trung Thu được gọi là “Otsukimi"-Lễ hội ngắm trăng. Những mùa lễ Otsukimi đầu tiên được người dân tổ chức vào giai đoạn sau khi đã thu hoạch hoa màu vào mùa hạ và chuẩn bị bước vào mùa gặt lúa nước, với mục đích là cầu xin thần linh mang đến những vụ mùa tươi tốt cho con người. Với ý nghĩa đó, Otsukimi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của con người Nhật Bản, đồng thời được coi như một cơ hội tuyệt vời để phong phú hóa tâm hồn trẻ thơ.
Lễ hội ngắm trăng ở Nhật được tổ chức hai lần trong năm, đây cũng chính là một nét độc đáo chỉ có ở Nhật Bản. Lần một là vào 15 tháng 8 Âm Lịch thường được gọi là “ đêm 15” và lần thứ hai là vào 13 tháng 9 Âm Lịch “ đêm 13 " hay “trăng sau". Người Nhật quan niệm rằng một khi đã ngắm trăng đêm 15 thì nhất định phải ngắm trăng vào đêm 13. Bởi nếu chỉ ngắm trăng đêm 15 thì chắc chắn sẽ gặp xui xẻo hay tai họa! Điều kiên kỵ này trong tiếng Nhật được gọi là “Kata-tsukimi”.

Vào ngày Otsukimi này, người Nhật thường bày bánh Tsukimi Dango theo hình tam giác trên một kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki sau đó đặt mâm bánh ở bất cứ nơi nào có thể ngắm trăng rõ nhất, để vừa ăn bánh, vừa ngắm trăng, còn trẻ em được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai

Truyền thuyết về tết Trung thu ở Nhật chỉ xuất hiện hình ảnh chú thỏ ngọc thay cho hình ảnh chị Hằng, chú Cuội và cả thỏ ngọc dễ thương như ở Việt Nam và hầu hết các nước Châu Á khác.

Hình ảnh thỏ ngọc giã bánh Tsukimi Dango là biểu tượng trung thu của Nhật Bản.
HÀN QUỐC
Ngày lễ rằm tháng 8 ở Hàn Quốc có tên Chuseok. Hay còn hiểu là “Lễ tạ ơn của người Hàn” kéo dài trong 3 ngày. Đây là ngày lễ lớn thứ hai sau tết Nguyên Đán. Vào ngày này, tất cả người Hàn đang đi xa đều trở về nhà để đoàn tụ với gia đình.

Vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của lễ Chuseok, Công việc quan trọng trong ngày lễ Chuseok là nghi thức “Beolcho và seongmyo”. Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau đến thăm mộ tổ tiên, cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau khi vệ sinh xong phần mộ, họ sẽ bày một mâm lễ vật gồm các loại nông phẩm và hoa quả đã thu hoạch được trong mùa vụ để tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Sau đó, toàn bộ gia đình sẽ tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ tưởng niệm.
Trong ngày lễ Chuseok, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo... để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên, còn trẻ em thì mặc trang phục truyền thống như người lớn, được vui chơi và ăn bánh trung thu.
Bánh trung thu Hàn Quốc gọi là Songpyeon, được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông, có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt chứ không phải hình tròn hoặc vuông như bánh trung thu ở nhiều nước châu Á. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với màu hồng, xanh đậm, vàng,…

Ngoài các món ăn, Tết Trung Thu ở Hàn Quốc còn có các trò chơi truyền thống như điệu múa Ganggangsualle, trò chơi rùa và đấu vật.
Điệu múa truyền thống Ganggangsualle
Trò chơi dân gian "Đấu vật"
Trò chơi rùa
Nguồn: Tổng hợp.